MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Vũ Trọng Phụng là một trong những nhà văn lớn của nền văn
học hiện thực Việt Nam .
Với 27 năm của cuộc đời và mười năm cầm bút, Vũ Trọng Phụng đã để lại trong kho
tàng văn học Việt Nam một số lượng tác phẩm khá đồ sộ với 8 cuốn tiểu thuyết, 1 truyện vừa, 7 phóng sự, 6 vở kịch, 29 truyện ngắn,
2 tác phẩm dịch và nhiều bài báo có những thành tựu đứng ở đỉnh cao và có
giá trị lâu dài. Trong các thể loại sáng tác, tài năng Vũ Trọng Phụng được thể
hiện tập trung nhất, kết tinh chói sáng và rực rỡ nhất ở thể loại tiểu thuyết. Ở
tiểu thuyết, ông có những đóng góp đáng kể cho tiến trình hiện đại hóa của thể
loại này.
Như
chúng ta đã biết, phương pháp sáng tác thể hiện nguyên tắc tư tưởng-nghệ thuật
của tác phẩm văn học. Ở người viết sẽ có một cái nhìn toàn diện về tác phẩm văn
học từ giá trị nội dung, nghệ thuật cho đến quan điểm, lập trường, phong cách
sáng tác của tác giả. Sáng tác của Vũ Trọng Phụng là một hiện tượng văn học phức
tạp, đã từng là đề tài gây ra nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu và bạn đọc.
Hôm nay, những giá trị, những đóng góp của Vũ Trọng Phụng đối với nền văn học
dân tộc cần được tìm hiểu, khẳng định thêm. Vì vậy, nghiên cứu tiểu thuyết Vũ
Trọng Phụng từ phương pháp sáng tác, người nghiên cứu có thể căn cứ vào các
bình diện: nhân vật trung tâm, nguyên tắc xây dựng tính cách và thi pháp để xác
định thế giới quan, quan điểm sáng tác cũng như những sáng tạo riêng của Vũ Trọng
Phụng để từ đó có một cái nhìn khách quan và toàn về những giá trị tinh thần của
Vũ Trọng Phụng.
Vũ Trọng Phụng đã chọn cho mình phương pháp sáng tác của
chủ nghĩa hiện thực phê phán, nên tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng đã thể hiện được
những nguyên tắc sáng tác rất độc đáo. Hơn nữa, cũng sáng tác theo khuynh hướng
hiện thực phê phán, văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 còn có nhiều cây bút
tiêu biểu như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan,
Ngô Tất Tố,… nhưng mỗi người có một phương pháp riêng. Vì thế, nghiên cứu về
đặc điểm tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng để
thấy được nét riêng độc đáo đó. Trong
chương trình Ngữ văn trung học phổ thông, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng như Giông Tố, Số Đỏ giữ vai trò vô cùng quan
trọng. Vì vậy, việc tìm hiểu tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng là điều hết sức cần
thiết giúp người nghiên cứu phục vụ tốt
cho quá trình học tập và giảng dạy sau này.
Từ những lí do trên, người viết đã chọn đề tài“Đặc điểm tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng nhìn từ phương pháp sáng tác” để làm đề tài nghiên cứu.
2. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài “Đặc điểm tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng
nhìn từ phương pháp sáng tác”, người viết nhằm hướng
đến những vấn đề:
Thứ
nhất, hướng tới các cơ sở lí luận chung, người viết sẽ đúc kết những kiến thức
cơ bản về phương pháp sáng tác nói chung và phương pháp sáng tác hiện thực phê
phán nói riêng.
Thứ
hai, trên các cơ sở lí luận đó, người viết vận dụng để tìm hiểu phương pháp
sáng tác của Vũ Trọng Phụng. Đồng thời, thông qua việc phân tích các bình diện của phương pháp sáng
tác ở những tác phẩm cụ thể, người viết tìm ra đặc trưng tiểu thuyết của Vũ Trọng
Phụng.
3. Lịch sử vấn đề
Vũ Trọng Phụng là một tác gia lớn và
có một vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Để có thể khẳng định
được vị trí vững chắc đó, ông cùng với tác phẩm của mình đã phải trải qua nhiều
sóng gió của dư luận. Từ trước đến nay, các công trình nghiên cứu
về Vũ Trọng Phụng nói chung và tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng nói riêng là tương đối
nhiều. Song mỗi người nghiên cứu lại có cách đánh giá riêng, dưới những góc
nhìn riêng. Tuy nhiên người viết cũng đã thu thập những bài viết liên quan đến
đề tài phục vụ cho công trình nghiên cứu. Cụ thể như sau:
3.1. Những ý kiến về nhân vật trung tâm
Khi nghiên cứu về tiểu thuyết của Vũ
Trọng Phụng đã có nhiều vấn đề xoay quanh nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết
của ông. Khen cũng nhiều mà chê cũng không ít, nhiều nhà nghiên cứu đã khai
thác cơ sở hình thành và mối tương quan giữa nhân vật của Vũ Trọng Phụng với
con người và hiện thực xã hội 1930-1945. Trên cơ sở đó, chúng tôi thu thập được
một số ý kiến có liên quan đến việc nghiên cứu đề tài như sau:
Năm
1956, trong bài viết Nhớ Vũ Trọng Phụng
, Hoàng Cầm đã nhận xét: “Đọc đi đọc lại tác
phẩm của Vũ Trọng Phụng, đối chiếu lại với cuộc sống thành thị lúc bấy giờ, tôi
tìm ra rất nhiều nhân vật ấy trong thực tế: Những Xuân tóc đỏ, những bà Phó
Đoan, những thầy Minđơ,…nhan nhã trên hè phố, trong tiệm nhảy và những chỗ sâu
kín, tối tăm nhất của xã hội thuộc địa phong kiến.”[36; tr.122]. Năm 1957,
trong bài viết “Người thư ký” của thời đại
của tác giả Văn Tâm đã có những nhận xét: “Những
nhân vật trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng hoạt động trên một địa bàn rất rộng,
bao gồm thành thị và nông thôn; từ những dinh cơ đồ sộ của địa chủ, quan lại, tới
nơi nhà tranh vách đất; từ những biệt thự tối tân muôn hồng nghìn tía của tư sản
đến những mảnh đất ngập ngụa rác rưởi của hạng người cùng khổ…”(…) “Dưới ngòi bút của Vũ Trọng Phụng, những nhân
vật nằm trong cảnh thế sự thăng trầm này hầu hết lại xuất thân từ thành phần tiểu
tư sản. Vũ Trọng Phụng đã thấy được rằng trong lúc giai cấp tiểu tư sản bong ra
từng mảng, ba con đường đã vạch sẵn trước mắt nó: tư sản hóa, vô sản hóa, lưu
manh hóa.”[36; tr.131-132]. Nhìn chung, các ý kiến trên tập trung chú ý
nhân vật của Vũ Trọng Phụng ở những điểm sau: Thứ nhất, qua nhân vật Vũ Trọng
Phụng muốn phản ánh tầng lớp tiểu tư sản. Thứ hai, Vũ Trọng Phụng sử dụng nhân
vật phản diện để phản ánh hiện thực xã hội.
Năm
1998, cuốn Phê bình- bình luận văn học,
tác giả Vũ Tiến Quỳnh đã đưa ra ý kiến: “Các
nhân vật trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đều có sự chuyển biến cương vị xã hội;
từ đầu đến cuối tác phẩm không bao giờ một nhân vật chịu đứng yên ở một cương vị
nhất định.”[29; tr.118]. Cũng trong cuốn này, tác giả Trương Chính nhận
xét: “Nhân vật trong tiểu thuyết Vũ Trọng
Phụng được cá thể hóa cao độ, đa dạng, phong phú về mặt thẩm mỹ, những con người
đang đuổi theo những dục vọng cá nhân.”[29; tr.154]. Do mối quan hệ giữa
các nhân vật trong tiểu thuyết được bộc lộ một cách sinh động, chân thật đến
tàn nhẫn nên đã để lại trong lòng người đọc không chỉ về ý nghĩa về xã hội mà
còn cho chúng tôi thấy được tài năng xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết của
ông.
Năm
1999, cuốn Nhà văn và tác phẩm trong nhà
trường của tác giả Vũ Dương Quỹ cũng đề cập đến nhân vật trong tiểu thuyết
của Vũ Trọng Phụng như sau: “Nhân vật
trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng là những con người ở thành thị (Hà Nội, Hải
Phòng), ở nông thôn, ở vùng mỏ,… thuộc đủ mọi tầng lớp: bọn tư sản mại bản kiêm
chính khách rởm hợm, trụy lạc, bất nhân, vô học, lũ lưu manh (Giông tố, Số đỏ);
những người nông dân đói khát hoặc bị tha hóa, vài ba tri thức tiến bộ nhưng
lúng túng (Vỡ đê); những cô gái con nhà lành bị sa ngã (Làm đĩ); mấy nhà cách mạng
bí hiểm,…”[28; tr.125]. Năm 2008, cuốn Đặc
sắc văn chương Vũ Trọng Phụng của tác giả Trần Đăng Thao đã nói về nhân vật
trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng như sau: “Nhân vật của Vũ Trọng Phụng trước hết là nhân vật của thời đại. Họ là
những con người cụ thể bằng xương, bằng thịt, tắm gọi trong bầu không khí cụ thể
của lịch sử Việt Nam đúng vào cái thời điểm của những năm 30, họ là hiện thân,
là sản phẩm tiêu biểu của xã hội thành thị dưới chế độ thực dân phong kiến bạo
tàn.”[35; tr.116]… “Tiểu thuyết phóng
sự của Vũ Trọng Phụng thường được xây dựng có quy mô lớn, vì vậy kéo theo một hệ
quả tất yếu là bao hàm trong đó một thế giới nhân vật đông đúc, những nhân vật ấy
có thể có những mối liên quan trực tiếp, song đều thống nhất với nhau chịu sự
chi phối chặt chẽ của thế giới nghệ thuật trong tác phẩm với tư cách là một chỉnh
thể.”[35; tr.178]. Năm 2010, cuốn Nghệ
thuật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, tác giả Đinh Lựu đã nhận xét: “Nhân vật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng có
thể nói không thiếu một ai từ ông đồ, ông giáo, thầy kí, thầy đội, lục sự, cảnh
sát, quan huyện, tổng đốc, công xứ, vua ta, vua Xiêm đến gái đĩ, gái tân thời,
tư sản, thầu khoán, nông dân, thị dân nghèo khổ,….”[13; tr.88]; “Nhân vật của Vũ Trọng Phụng gồm đủ thành phần
giai cấp, đủ giới, đủ hạng người, đủ phái tính, đủ độ tuổi.”[13; tr.89]. Từ
những nhận định trên, người viết cũng đã
phần nào nhận thấy một khía cạnh quan trọng ở nhân vật của Vũ Trọng Phụng. Đó
là thế giới nhân vật đông đúc, đa dạng như một thế giới con người thật của xã hội.
Năm 2011, cuốn Vũ Trọng Phụng-tác giả và tác phẩm trong nhà trường của Vũ Nguyễn
giới thiệu, đã có bài viết của Đinh Trí Dũng có nhận xét như sau: “Với các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, người
đọc không thể quên được thế giới nhân vật độc đáo của ông, một thế giới đông
đúc với đủ kiểu người, đủ các khuôn mặt, chen chúc, ồn ào, náo loạn trong bối cảnh
xã hội thăng trầm, điên đảo.” [24; tr.100]… “...trong thế giới nhân vật đông đúc
đó, ngòi bút Vũ Trọng Phụng đặc biệt thành công trong việc khắc họa các nhân vật
phản diện.”[24; tr.101]. Ưu điểm nổi bật là tác giả đã vận dụng lí luận để
soi sáng kĩ từng nhân vật, sắp xếp lại có tính hệ thống, khái quát và nâng cao
sức thuyết phục. Đây là tài liệu tham khảo
bổ ích cho người viết về đề tài, có những đóng góp mới cần được ghi nhận. Qua việc tìm hiểu các công trình
nghiên cứu chúng tôi nhận thấy các tác giả đã có những nhận xét đầy đủ và rất
xác đáng về nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng.
3.2. Những ý kiến về nguyên tắc xây dựng
tính cách
Vũ Trọng Phụng không xây dựng những mẫu người lí tưởng mà phản
ánh, tái hiện những con người mang bản chất người. Tính cách của nhân vật luôn
thay đổi, bị tác động, chi phối của hoàn cảnh, của môi trường xã hội.
Năm
1995, trong bài viết Nhà hóa học của những
tính cách, Hoài Anh đã nhận xét như sau:
“nhân vật đạt tới sự thống nhất giữa
tính cách và cá tính, giữa cái chung và cái riêng , là nhân vật điển hình trong
hoàn cảnh điển hình”[36;tr. 300]. Bên cạnh việc phát hiện ra những cái nhìn
về nhân vật trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đã rất độc đáo, vậy mà Hoài
Anh đã thấy được ở Vũ Trọng Phụng là ông vẫn giữ nguyên một nguyên tắc sáng tạo
là việc khắc họa tính cách nhân vật đến mức điển hình.
Năm 1998,
cuốn Giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam
(1930-1945) do Nguyễn Đăng Mạnh biên soạn đã đưa ra nhận xét: “Vũ Trọng Phụng đã sáng tạo được một loạt điển
hình bất hủ…những nhân vật đầy cá tính đặc biệt, nhiều khi kì quặc đến vô lý, vậy
mà khi đọc đến trang cuối cùng lại thấy rất chân thực, thậm chí rất phổ biến
trong xã hội cũ.”[17; tr.94]. Nhận xét của Nguyễn Đăng Mạnh đã lột tả được
phần nào trong nội dung chính trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, bởi Vũ Trọng
Phụng có niềm tâm sự chua xót với đời, ông đã vạch trần mặt trái xấu xa giả dối,
tàn nhẫn, vô lương tâm của con người trong giai đoạn 1930-1945.
Năm
2007, trong cuốn Con đường đi vào thế giới
nghệ thuật của nhà văn, Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét về tính cách của nhân vật:
“Tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng thường mô tả
những nhân vật thay đổi về tính cách…Những
số phận thay đổi, những tính cách chuyển biến đột ngột quá, đảo ngược quá, khiến
các nhân vật cũng phải thay đổi thái độ với nhau một cách thật mau lẹ, như là
quay 180 độ.”[20; tr.119]. Qua nhận xét của Nguyễn Đăng Mạnh thì chúng tôi
nhận thấy ông đã có cái nhìn toàn diện, đánh giá từng tính cách nhân vật, đồng
thời ông cũng đã chỉ rõ những tính cách nhân vật thay đổi do nguyên nhân xã hội
tác động đến thay đổi như vậy. Đó là tài năng của Vũ Trọng Phụng thể hiện nét
riêng độc đáo tiểu thuyết của ông nói riêng và văn học hiện thực phê phán nói
chung.
Năm
2008, trong cuốn Đặc sắc văn chương Vũ Trọng
Phụng, Trần Đăng Thao đã có những nhận xét sau: “ Với cách lựa chọn nhân vật tiêu biểu và bút pháp kí họa chân dung, ông
đã xây dựng được nét đặc sắc trong tính cách nhân vật, khiến nhân vật ấy trở
nên nổi bật hơn, trở thành hình tượng sắc sảo và điển hình hơn trong đám nhân
loại đang quây quần quanh nó.”[35; tr.117]. Với ý kiến sâu sắc của Trần
Đăng Thao đã giúp chúng tôi làm sáng tỏ và sâu sắc thêm về việc khắc họa tính
cách của nhân vật nói năng, vận động trong môi trường lịch sử cụ thể với những
tính cách sinh động, qua đó, chúng tôi có thể hiểu được phần nào về phương pháp
sáng tác của Vũ Trọng Phụng qua việc xây dựng tính cách nhân vật.
Năm
2010, trong cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết
Vũ Trọng Phụng khi nói về việc xây dựng tính cách nhân vật trong tiểu thuyết
của Vũ Trọng Phụng, tác giả Đinh Lựu đã nhận xét: “Tính cách nhân vật của Vũ Trọng Phụng luôn thay đổi, bị sự chi phối,
tác động của hoàn cảnh, của môi trường, xã hội xung quanh”… “Tính cách nhân vật của Vũ Trọng Phụng có sự
vận động không ngừng, biến đổi cùng với hoàn cảnh. Nhân vật gần cuộc đời, logic
tính cách nhân vật cũng gần với logic hiện thực…” ,“Tính cách nhân vật của Vũ Trọng Phụng có nét cốt lõi nhưng không đơn giản,
mà khá phức tạp, mâu thuẫn, thống nhất mà đa dạng, đa dạng mà thống nhất”[13;
tr.115-118]. Từ những đóng góp to lớn của tác giả Đinh Lựu giúp chúng tôi dễ
dàng mở ra hướng tiếp cận thuận lợi cho công việc nghiên cứu về tiểu thuyết Vũ
Trọng Phụng được tốt hơn.
Năm 2012, trong bài viết “Vũ Trọng Phụng –tài năng và thời cuộc”, Hà Minh Đức nhận xét: “Nói đến tiểu thuyết phải nói đến nhân vật, Vũ Trọng Phụng có tài khắc họa
nhân vật. (…), mỗi nhân vật có một vóc dáng riêng, tính cách riêng, từ những
tên gọi như bà Phó Đoan mà không đoan chính; ông Văn Minh nhưng thực sự là thụ
động, bế tắc; các tên cảnh sát Min Đơ, Min Toa; rồi ông Lang Tỳ, Lang Phế cho đến
em Chã, cụ cố Hồng... Mỗi người đều có những đặc điểm độc đáo. Vũ Trọng Phụng
am hiểu xã hội, các loại người đến chân tơ kẽ tóc để góp phần tạo dựng nhân vật.” [50;www]. Qua đây, cho thấy thành công của Vũ
Trọng Phụng trong việc xây dựng tính cách của nhân vật đạt đến mức điển hình ở
xã hội 1930-1945 mà còn đến hôm nay vẫn còn quanh quẩn đâu đây. Nhìn
chung, Vũ Trọng Phụng về con người, cuộc đời cũng như tiểu thuyết của ông luôn
là đề tài cho các nhà nghiên cứu phải đào sâu tìm tòi, khám phá vì những mâu
thuẫn, những hình tượng độc đáo. Người ta từng phủ nhận rồi lại khẳng định tài
năng của ông vì ông chuyên viết về những chuyện ăn chơi trụy lạc, lưu manh, gái
điếm, tha hóa,…để qua đó chúng tôi thấy được cách xây dựng tính cách nhân vật
trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng một tính cách phong phú, đa dạng mà không
lẫn lộn với bất kì tính cách của nhân vật nào khác. Đó chính là đặc điểm nổi bật
trong nguyên tắc xây dựng tính cách của Vũ Trọng Phụng.
3.3. Những ý kiến về thi pháp
Nhìn ở góc độ thi pháp, tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng đã thể hiện
được phong cách riêng của mình. Sau đây là những ý kiến đánh giá về vấn đề này:
Năm
1989, trong bài viết “Vũ Trọng
Phụng “ông vua phóng sự””, Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận xét: “Vũ Trọng Phụng dường như sinh ra để viết
phóng sự và tiểu thuyết (phóng sự của Vũ Trọng Phụng có yếu tố tiểu thuyết và
tiểu thuyết có yếu tố phóng sự: một óc quan sát hết sức mau lẹ và sắc sảo, một
khả năng kí họa tài tình, có thể tóm tắt rất nhanh những mẫu người khác nhau bằng
vài nét phác thảo. (…) có những đoạn đối thoại đầy kịch tính bằng ngôn ngữ và
giọng điệu nghề nghiệp… (…). Dẫn dắt các tình tiết và tổ chức các tình huống một
cách linh hoạt, nhà văn sáng tạo ra một nhân vật khá độc đáo: nhân vật tôi. Một
nhân vật không phải Vũ Trọng Phụng nhưng rất Vũ Trọng Phụng: ăn nói hóm hỉnh với
những cách ví von bất ngờ mà ác, và những nhận xét, những lời bình luận hết sức
thông minh, sắc sảo và có duyên.”[36; tr.320-321]. Từ những nhận xét hết sức
tinh tế của Nguyễn Đăng Mạnh đã phần nào giúp cho chúng tôi có cái nhìn khái
quát hơn về những giá trị nghệ thuật về tiểu thuyết phóng sự, các tình tiết nghệ
thuật, từ ngôn ngữ, giọng điệu của Vũ Trọng Phụng rất xuất sắc góp phần quan trọng
trong lĩnh vực tiểu thuyết, qua đó chúng tôi thấy được khả năng của ông rất sâu
sắc trong việc xây dựng các giá trị nghệ thuật sắc sảo và đa dạng.
Năm
2001, trong cuốn Phê bình văn học Việt Nam nửa
đầu thế kỉ XX, Trương Tửu có viết: “Ông
là đứa con trực tiếp của cuộc đời. Tài nghệ của ông không bằng sự bắt chước. Nó
làm bằng kinh nghiệm và nỗ lực cá nhân (…) được vậy nhờ vào tính khí riêng, cái
xu thế sáng tạo riêng của ông.”[34; tr.173]. Qua ý kiến này chúng tôi nhận
thấy, sự thành công của tác giả xuất phát từ sự nỗ lực bản thân kết hợp với những
cá tính sáng tạo độc đáo.
Năm
2003, trong cuốn Vũ Trọng Phụng-Tác giả
và tác phẩm, bài viết của Vũ Ngọc Phan về Một lối văn riêng, một ngòi bút tả chân sắc sảo, lỗi lạc đã nhận
xét: “Người ta ham đọc văn ông là vì ngọn
bút tả chân của ông. Ngọn bút ấy thật sắc sảo, nó tả như vẽ, chỉ vài ba nét người
ta đã hình dung được những cảnh vật mà tác giả định tả với những màu sắc linh động
vô cùng. Nếu chỉ đứng về mặt tả chân, đừng xen lẫn những ý kiến về luân lý, về
giáo dục vào, có lẽ tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng sẽ là những tập văn có giá
trị.”[36; tr.109]… “Người ta còn ham
đọc ông vì những tư tưởng trào lộng của ông nữa. Ông mỉa mai đời một cách cay độc,
coi đời như một trò múa rối và điều thú vị là ông biết chính mình cũng phải
đóng một vai trò như tất cả mọi người.”[36; tr.110]. Đóng góp của
Vũ Ngọc Phan là đã cho chúng ta thấy được sở trường riêng của Vũ Trọng Phụng
qua đó giúp cho chúng tôi hiểu rõ về tư tưởng nghệ thuật và những giá trị truyền
thống mà ông khai thác và phát huy trong hoạt động sáng tạo của mình. Ngoài ra,
từ nhận xét của Vũ Ngọc Phan còn cho chúng tôi thấy được những trào lộng trong
tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng còn là vũ khí lợi hại của ông khi phê phán xã hội
đương thời thông qua tác phẩm của mình.
Năm
2007, trong cuốn Con đường đi vào thế giới
nghệ thuật của nhà văn, Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét: “Về mặt kết cấu các tác phẩm, thì, trong hầu hết truyện ngắn, truyện dài
của Vũ Trọng Phụng, các tình tiết, tình huống, các quan hệ nhân vật và số phận
của chúng đều được xếp đặt, tổ chức theo một nguyên tắc ngẫu nhiên may rủi: bố
con trở thành kẻ thù, vợ chồng hóa ra anh em, đang nghèo đói trở thành triệu
phú hoặc ngược lại thằng bỗng hóa ra ông, ông lại hóa ra thằng, cuộc sống cứ đảo
điên vì vận hạn rủi may, vì số đen số đỏ.”[20; tr.27]… “Dù viết bằng thể loại nào, văn Vũ Trọng Phụng
cũng đúng là Vũ Trọng Phụng. Nghĩa là sắc sảo và mãnh liệt, như dao chém, như roi
quất. Nhưng tài năng của Vũ Trọng Phụng vẫn bộc lộ đầy đủ nhất ở hai thể phóng
sự và tiểu thuyết”[20;tr. 113]… “Vũ
Trọng Phụng chứng tỏ là một cây bút muốn dấn thân, muốn nhập cuộc thực sự vào
cuộc đấu tranh chính trị đương thời trên tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, hướng về
những con người tiên tiên nhất của cuộc giải phóng dân tộc.”[20; tr.115]. Tác giả đã
cho người đọc thấy tài năng của Vũ Trọng Phụng trước hết là ở kết cấu tiểu thuyết
hết sức chặt chẽ là Vũ Trọng Phụng thành công rực rỡ trong việc sáng tạo tiểu
thuyết có kết cấu tạo quy mô hoành tráng ở không gian nghệ thuật của tiểu thuyết. Thứ hai, về thể loại Vũ Trọng Phụng được tôn vinh là “ông vua phóng sự” và là “tiểu thuyết gia trác tuyệt” so với các
nhà tiểu thuyết Việt Nam hiện đại thì tiểu thuyết của ông là thể tiểu thuyết phóng sự bậc thầy.
Nhìn
chung, các nhà nghiên cứu đã khai thác về tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng trên tất
cả các mặt, các khía cạnh, nhưng nghiên cứu ở góc độ phương pháp sáng tác để bao quát toàn bộ tác phẩm của ông thì còn hạn
chế. Dựa trên cơ sở tiếp thu thành công của những người đi trước, chúng tôi
mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình để hoàn thiện việc nghiên cứu và tìm hiểu
“Đặc điểm tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng
nhìn từ phương pháp sáng tác”.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng
nghiên cứu: người viết tập trung nghiên cứu đặc điểm tiểu thuyết của Vũ Trọng
Phụng ở góc độ phương pháp sáng tác. Ở phương pháp sáng tác, chúng tôi tập
trung nghiên cứu ba phương diện: Nhân vật
trung tâm, nguyên tắc sáng tác và thi pháp.
- Phạm vi nghiên cứu: người viết chỉ giới hạn khảo sát,
phân tích trong một số tiểu thuyết tiêu biểu của nhà văn Vũ Trọng Phụng như: Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, Trúng số độc đắc,… .
5. Phương pháp nghiên cứu
Với đề
tài “Đặc điểm tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng
nhìn từ phương pháp sáng tác” chúng tôi đã dựa vào những phương pháp sau để
nghiên cứu:
- Phương pháp khảo sát: Được tiến hành bằng cách đọc một số tiểu
thuyết cụ thể của Vũ Trọng Phụng để thấy được nét độc đáo về phương pháp sáng
tác của dòng văn học hiện thực phê phán qua tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng.
- Phương pháp so sánh: Người viết so sánh, đối chiếu phương pháp
sáng tác của tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng với tiểu thuyết của các nhà văn cùng thời
hay ở những giai đoạn trước và để từ đó làm nổi bật những đặc sắc của tiểu thuyết
Vũ Trọng Phụng.
- Phương pháp phân tích: Trước hết người viết dựa trên cơ sở lí luận,
phân tích các bình diện của phương pháp sáng tác: Nhân vật trung tâm, nguyên tắc
xây dựng hình tượng và thi pháp. Sau đó, người viết sẽ đi sâu phân tích những
tác phẩm cụ thể của Vũ Trọng Phụng để làm sáng tỏ ba bình diện trên.
- Phương pháp lịch sử: Dựa trên những tiếp cận bối cảnh lịch sử xã
hội để lí giải các hiện tượng văn học xuất hiện trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng.
Ngoài ra
chúng tôi còn sử dụng một số thao tác như giải thích, chứng minh,… Trong các
phương pháp được sử dụng, phương pháp phân tích và phương pháp so sánh được sử
dụng xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu.
6. Ý nghĩa đề tài
“Đặc điểm tiểu
thuyết của Vũ Trọng Phụng nhìn từ phương pháp sáng tác” là một đề tài có nhiều ý nghĩa và
đóng góp quan trọng đối với việc tìm hiểu nội dung và nghệ thuật trong tiểu
thuyết nói chung và tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng nói riêng. Đặc biệt đề tài là những ứng dụng của cơ sở lí luận về phương
pháp sáng tác văn học. Nó mở ra một hướng nghiên cứu về phương pháp sáng tác
trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng.
Và đề
tài cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc đóng góp những so sánh về phương pháp
sáng tác của Vũ Trọng Phụng với phương pháp sáng tác của một số nhà văn khác
như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Ngô Tất Tố,….
7. Kết cấu khóa luận
Ngoài phần mở đầu, mục lục, tài liệu
tham khảo và phần kết luận, đề tài khóa luận “Đặc điểm tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng nhìn từ phương pháp sáng tác”
gồm có ba chương:
Chương 1: Những vấn đề chung
Chương 2: Nhân vật trung tâm và nguyên tắc xây dựng
tính cách trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng
Chương 3: Một số vấn đề thi pháp trong tiểu thuyết Vũ
Trọng Phụng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét